Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy – Kỳ cuối: Trả nợ mẹ cha, trả nợ đời

 Ngày mong chờ của tôi đã đến, năm 2001 tôi được ban giám đốc Trung tâm Bình Triệu tuyên bố trước tập thể: Trần Kim Xuân chính thức là người nhà – nhân viên thực thụ của đơn vị.

Giã từ được ma túy, tôi đã có cơ hội trả nợ mẹ cha, trả nợ đời và trả nợ xã hội…

Giúp những phận đời còn nghiện ngập

Từ một kẻ nghiện ngập, tôi trưởng thành lên nhân viên trung tâm cai nghiện nên có nhiều thuận lợi khi làm việc. Tôi có sự thấu hiểu và sẻ chia với học viên cai nghiện trong tiêu chí “Tình thương và trách nhiệm” của đơn vị. Lúc này tôi đã có tuổi rồi, các học viên nhỏ tuổi thường gọi tôi là bố xưng con, đôi khi còn vui vẻ ôm chặt tôi.

Trung tâm Bình Triệu tiếp nhận và quản lý đối tượng nghiện ma túy của TP.HCM với đủ mọi thành phần ngoài xã hội. Nhiều kẻ nghiện ngập mang theo cả các sinh hoạt rất phức tạp vào đây, lập băng nhóm trong phòng, ức hiếp các học viên khác, đánh nhau tạo “số má” cho mình.

Để có nơi riêng biệt quản lý học viên vi phạm mức độ phải cách ly xử lý kỷ luật, trung tâm có phòng giáo dục cá biệt (phòng kỷ luật) do đơn vị bảo vệ quản lý. Tôi được phân công trách nhiệm phòng đặc biệt này sau những lần các nhân viên khác gặp khó khăn khi đảm trách. Các học viên “đại bàng” có, lì lợm không chấp hành nội quy, thẩm lậu đồ cấm, đánh nhau, gây rối đều có mặt ở đây.

Tiếp cận sâu sát từng học viên, kinh nghiệm giúp tôi nhận biết đằng sau những vi phạm, hành vi cá biệt, ngang tàng đều có nguồn cơn. Vừa là “bố” vừa là “thầy”, tôi tâm tình cho các em bày tỏ hết nỗi niềm chất chứa trong lòng. Nhờ đó tôi tìm ra phương cách giáo dục, lôi kéo từng học viên cá biệt trở lại bình thường.

Ngược lại những hình ảnh tiêu cực, tôi cũng xúc động được chứng kiến nhiều tính thiện tốt đẹp của các học viên khác mang lại. Như em N.H. trước khi vào trung tâm là một diễn viên điện ảnh được nhiều người biết đến. Vào đây, sau giai đoạn cắt cơn nghiện, em được chuyển qua khu sinh hoạt và tích cực tham gia lao động để sửa mình. 

Trường hợp ca sĩ C.T. cũng cố gắng học tập, lao động để giã từ ma túy. Nhiều cô chiêu cậu ấm khác sau giai đoạn cắt cơn nghiện, khỏe mạnh lại, đều tự nguyện tìm kiếm công việc để tham gia, không còn lười biếng như trước.

Kỷ niệm khó quên của tôi là chuyện một học viên nam thuộc khu quản lý giáo dục vừa gặp gia đình vào thăm, lại tự lao đầu vào hàng rào sắt làm máu chảy ướt mặt, loang cả xuống áo.

Tôi nghe tiếng la của nhiều người liền chạy đến, cố gắng giữ học viên này không tự sát. Trong lúc giằng co, máu từ học viên này dây sang ướt đỏ cả người tôi. Học viên đã bị HIV, hai anh chị của em này cũng bị và đã qua đời. Đưa được em về phòng y tế chăm sóc thương tích, tôi chạy vội vào toilet, cởi bỏ đồ mặc trên người mà đứng dưới vòi sen tắm rửa máu dính trên thân thể mình. May là tôi không bị nhiễm.

Tôi không còn chế độ nội trú trong trung tâm. Mỗi ngày sau ca trực, tôi được về nhà, được sống như bao người bình thường. Tôi không trốn chạy ma túy nữa mà trực diện đối đầu với nó để giúp người. Nhiều lần học viên cai nghiện dịch vụ được hồi gia, đã mời tôi đi uống cà phê rồi bày đồ nghề chơi ma túy để rủ tôi cùng chích choác.

Bình tĩnh, tôi giữ được mình và nhẹ nhàng tìm lời khuyên các em tránh xa ma túy. Những lời tâm huyết từ người từng trải nỗi đau ma túy đã thấm dần vào tâm can các em. Từ đó, các em thêm mến và kính trọng tôi như người anh, người thầy dẫn dắt mình.

Trong quá trình chiến đấu chống ma túy, giành giật lại từng con người, tôi hay kể chính chuyện đời mình, một kẻ nghiện nặng “ken hai chế độ” (hàng trắng rồi hàng đen) nhưng cuối cùng đã vượt qua được cho các em suy ngẫm. Có một học viên lần đầu vào trung tâm cai nghiện dịch vụ thời hạn một tháng. Khi vào em chưa tròn 16 tuổi, đang là học sinh lớp 10 bên ngoài. 

Tôi gần gũi tìm hiểu thì được biết gia đình nuông chiều cho em nhiều tiền, rồi bị đám bạn hư dụ dỗ, lôi kéo chơi heroin. Đến khi em lộ ra vật vã thì nhà mới biết và đưa vào cai nghiện. Hết tháng cai, gia đình nhận về, nhưng được vài tháng lại đưa em vào cai vì tái nghiện… Tôi cố gắng tâm tình, khuyên nhủ em và kết hợp với gia đình giúp em thoát nghiện.

Rồi em được hồi gia về lại với gia đình. Nhớ lời tôi dặn, cứ ngày nào tôi ra ca trực là em đến chơi với tôi. Buổi tâm tình, khuyên nhủ nào, tôi cũng kết thúc bằng câu nói: “Khi nào thấy bố chích xì ke lại thì con cứ chơi lại. Còn không thì con hãy từ bỏ ma túy như bố đã từ bỏ nó”. 

Trong lòng em đã coi tôi như người cha thứ hai của mình. Tôi mừng vô cùng khi bốn năm sau em đến gởi thiệp cưới. Bằng cái nhìn từng trải, tôi biết em không sa ngã lại.

Gia đình hạnh phúc của ông Xuân – Ảnh: NVCC

Tổ ấm gia đình

Năm 2005 tôi lấy được vợ, để trả hiếu với cha mẹ và có được tổ ấm hạnh phúc như bao người bình thường. Cô ấy nhỏ hơn tôi 19 tuổi. Ngày đám cưới, ban giám đốc và cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bình Triệu đến dự đông đủ, chúc mừng tôi. Đó cũng là thành quả của cơ quan trong việc giáo dục tôi, một kẻ nghiện ngập đã nhiều năm lún sâu dưới địa ngục ma túy.

Ngay cuối năm đó, vợ chồng tôi được tin vui có công chúa đầu lòng. Ngày nào tôi cũng áp mặt vào bụng vợ mà chuyện trò với con. Tâm trạng được làm cha lâng lâng trong người. Ba năm sau, chúng tôi lại được thêm một bé gái. Nhà tôi vui hẳn lên khi có tiếng trẻ khóc, cười, tiếng bi bô tập nói, tập đi. Hình ảnh thiên đường hạnh phúc mà tôi không bao giờ dám nghĩ tới, chứ đừng nói mơ ước lúc còn sa đọa với “cô ba phù dung”.

Đơn vị hiểu cảnh nghèo của vợ chồng tôi nên cũng giúp việc làm thêm. Mỗi sáng sớm, tôi nhận đơn hàng của căngtin cơ quan để đi nhận hàng và được trả tiền công vào cuối tuần. Tôi không thấy mệt nhọc gì khi nghĩ đủ tiền mua sữa cho con, mua thêm tí thức ăn hay manh áo mới cho vợ.

Tôi nhớ khi con gái thứ hai đi nhà trẻ, tôi mới được nghỉ tết thật sự. Trước đó tết nào cũng vậy, hết ca trực của mình tôi lại vào trực ca của người khác nhờ cậy để tìm thu nhập thêm cho gia đình.

Vợ tôi cũng rất yêu thương, tần tảo chăm lo chồng con. Đạp xe đưa con đi nhà trẻ xong, cô ấy lại tất tả đạp xe đến chỗ thuê mướn mình làm việc nhà. Cuối tuần nhà trẻ đóng cửa, vợ tôi phải đưa hai con theo luôn. Để chị em chơi với nhau, vợ tôi vừa làm vừa trông nom con. Cuộc sống vất vả, nghèo khó nhưng tràn ngập yêu thương trong gia đình tôi.

Tôi lấy được vợ là lúc tôi đã 52 tuổi, rồi lại được thêm hai nàng công chúa xinh ngoan. Bây giờ cô công chúa lớn của tôi đã vào lớp 9, cô nhỏ vào lớp 6. Mỗi ngày được quây quần đầm ấm bên vợ con là hạnh phúc không gì sánh được trong cuộc đời tôi. Hôm nay tôi đã 67 tuổi rồi. Nếu không từ bỏ ma túy, tôi không dám nghĩ nổi thân tàn ma dại của mình sẽ như thế nào!

“Con lạc đà đi qua lỗ kim” là có thật. Đó là chuyện về tôi, một người nghiện ngập triền miên đã đứng lại được, làm lại được cuộc đời để tròn vẹn ước mơ trở thành con người bình thường.

Và tôi đã trả nợ đời, trả nợ mẹ cha, trả nợ xã hội. Mai này được gặp lại mẹ cha ở nơi nào đó, tôi sẽ thanh thản cất tiếng yêu thương: cha ơi, mẹ ơi!

Nụ cười hạnh phúc

Sáu tháng ròng rã viết tự truyện này, nhiều ngày ông Xuân đã viết trên giường bệnh. Ông mắc nhiều thứ bệnh, trong đó có xuất huyết bao tử và nặng nhất là K gan. Tuy nhiên, ông đã kiên cường vượt qua để hoàn thành cuốn tự truyện đời mình.

Tâm sự với tôi, ông chia sẻ: “Mục đích tui viết tự truyện này không có gì khác là bài học cho các bạn trẻ. Một bài học có đủ cả sa đọa, tủi nhục, đắng cay, nhưng cuối cùng tui đã giành lại được phần người của mình. Hãy tránh xa ma túy khi còn kịp, nhưng ai đã lỡ dính vào rồi thì vẫn có thể vượt qua như chính bài học đời tui”.

Hiện nay ông Xuân và gia đình đang sống rất nghèo trong căn nhà chỉ 7m2 cuối hẻm sâu. Nhưng ông đã có nụ cười hạnh phúc…

QUỐC VIỆT

( Nguồn Báo tuổi trẻ 9/7/2020)