Tìm hiểu luật Phòng, Chống HIV/AIDS

Tìm hiểu luật Phòng, Chống HIV/AIDS

1. Người nhiễm HIV có quyền gi?
Đáp: Người nhiễm HIV có các quyền sau:
a. Được điều trị và chăm sóc sức khỏe.
b. Được giữ bí mật riêng tư.
c. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn cuối.

2. Người nhiễm HIV có nghĩa vụ gì?
Đáp: Người nhiễm HIV có nghĩa vụ
a. Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho vợ, chồng, hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết.
b. Thực hiện các quy định về điều trị bằng thuốc kháng HIV.

3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với những trường hợp nào?
Đáp: Nhà nước có chính sách hỗ trợ phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nuôi trẻ dưới 6 tuổi sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bằng sữa thay thế và bệnh nhân AIDS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV do tai nạn rủi nghề nghiệp.
4. Có những hành vi nào bị nghiêm cấm?
Đáp: Tại điều 7 và 8 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS nêu rõ những hành vi sau đây là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm:

a. Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.
b. Đe dọa truyền HIV cho người khác.
c. Kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV.
d. Cha mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bở rơi người được giám hộ nhiễm HIV.
e. Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho những người khác mà không được họ cho phép.
f. Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.
g. Ép buộc xét nghiệm HIV.
h. Truyền máu hay sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.
i. Từ chối khám, chữa bệnh cho người bệnh vì biết, hay nghi ngờ người đó nhiễm HIV.
j. Từ chối mai táng, hỏa táng người chết vì lý do liên quan tới HIV/AIDS.
k. Lợi dụng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.

5. Đã xảy ra trường hợp có người sau khi phát hiện nhiễm HIV bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng. Điều này đúng hay sai?
Đáp: Sai. Điều 13 và 14 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS nêu rõ người sử dụng lao động (tức là các cơ quan, tổ chức, đơn vị sản xuất, doanh nghiệp…) không được có các hành vi sau đây:
a. Chấm dứt hợp đồng lao đồng hoặc gây khó khăn đối người lao động khi phát hiện họ nhiễm HIV.
b. Ép buộc người lao động thôi, hay chuyển việc khi họ còn đủ sức khỏe.
c. Từ chối nâng lương, đề bạt, hoặc không đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi họ nhiễm HIV.
d. Yêu cầu người lao động phải xét nghiệm HIV, hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV, từ chối tuyển dụng vì lý do ứng viên lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp được nêu tại khoàn 2 Điều 28 (về một số trường hợp bắt buộc phải xét nghiệm HIV).

6. Có trường hợp nào bắt buộc phải xét nghiệm HIV không?
Đáp: Có. Điều 28 Khoản 2 nói việc xét nghiệm HIV là bắt buộc đối với trường hợp có trưng cầu giám định tư pháp hoặc quyết định của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân, hoặc Tòa án Nhân dân. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc xét nghiệm HIV bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Chính phủ cũng quy định danh sách một số ngành nghề phải xét nghiệm trước khi tuyển dụng.

7. Trẻ nhiễm HIV có được đi học không?
Đáp: Có, trẻ nhiễm HIV có quyền đến trường như mọi trẻ em khác. Tất cả các hành vi của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm từ chối tiếp nhận học sinh nhiễm HIV, kỷ luật buộc thôi học, tách biệt, hạn chế, cấm đoán hay yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu trình kết quả xét nghiệm HIV đều là những hành vi vi phạm pháp luật.

8. Ai được quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính?

Đáp: Có hai trường hợp:
a. Khi bạn đi xét nghiệm HIV: Theo Luật Phòng chống HIV/AIDS, chỉ có các nhân viên được giao nhiệm vụ tư vấn trực tiếp được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho bạn ( người được xét nghiệm).
b. Khi bạn là bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế: Những người được phép thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của bạn là người có trách nhiệm chăm sóc, điều trị cho bạn tại cơ sở y tế bao gồm: trưởng khoa, trưởng phòng, điều dưỡng viên trưởng nơi điều trị, nhân viên y tế được giao trách nhiệm điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.

9. Có trường hợp y tá tại bệnh viện tiết lộ tình trạng HIV của bệnh nhân cho những người không liên quan. Hành vi này đúng hay sai?
Đáp: Sai. Hành vi này thuộc trong số những hành vi bị nghiêm cấm được nói tại điều 8 trong phần nói về những quy định chung của Luật Phòng chống HIV/AIDS. Đó là “Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh người nhiễm HIV, hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó…”

10. Trẻ em có được hưởng dịch tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện hay không?
Đáp: Luật Phòng chống HIV/AIDS quy định việc xét nghiệm HIV được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người được xét nghiệm. Tuy nhiên, chỉ có trẻ 16 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hành vi dân sự mới được tự quyết định sử dụng dịch vụ này hay không. Đối với trẻ dưới 16 tuổi cần có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ, hoặc người giám hộ.
11. Người nhiễm HIV có được hưởng bảo hiểm y tế không?
Đáp: Có. Người đang tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám, chữa bệnh. Bộ Y tế có quy định danh mục các loại thuốc kháng HIV do bảo hiểm chi trả.
12. Ai được cấp miễn phí thuốc kháng HIV?
Đáp: Chỉ những người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do rủi ro tai nạn nghề nghiệp, rủi ro của kỹ thuật y tế, phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, trẻ dưới 6 tháng tuổi nhiễm HIV được cấp miễn phí thuốc kháng HIV. Ngoài ra, thuốc kháng HIV do ngân sách nhà nước chi trả, do tổ chức cá nhân trong ngoài nước tài trợ cấp miễn phí cho người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS theo các thứ tự ưu tiên: Trẻ em đủ 6 đến dưới 16 tuổi; người nhiễm HIV tích cực thực tham gia phòng chống HIV/AIDS và người bị nhiễm HIV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nguồn : http://www.hoanhiptim.vn/