Câu hỏi 1: Điều trị Methadone tại Trung tâm có phải đóng phí không? Nếu có, sẽ đóng bao nhiêu? Đối tượng thuộc diện nào thì được miễn giảm phí?
Trả lời:
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 38/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Y tế – Bộ Tài chính; quy định của UBND thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng thu từ ngày 01/04/2017, hiện tại các bệnh nhân điều trị Methadone tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố cũng như tại Trung tâm phải đóng các khoản phí như sau:
– Khám bệnh (không bao gồm xét nghiệm và thuốc)
- Khám tổng quát ban đầu: 48 000 đồng/lần khám/người (1 lần/người duy nhất)
- Khám khởi liếu điều trị: 25 000 đồng/lần khám/người (1 lần/người duy nhất)
- Khám định kỳ: 20 000 đồng/lần khám/người /tháng (12 tháng)
– Chi phí cấp phát thuốc (không bao gồm thuốc)
- Tại cơ sở điều trị thay thế (Cơ sở cai nghiện ma túy Thủ Đức): 10 000đồng/lần/người/ngày (Tính theo số ngày trong tháng)
– Chi phí tư vấn (không bao gồm thuốc và xét nghiệm)
+ Tư vấn cá nhân:
- 140 000 đồng/người/năm (Trong năm đầu điều trị, không quá 14 lần/năm)
- 40 000 đồng/người/năm (Từ năm điều trị thứ hai, không quá 4 lần/năm)
+ Tư vấn nhóm:
- 30 000 đồng/người/năm (Trong năm đầu điều trị, không quá 6 lần/năm)
- 20 000 (Từ năm điều trị thứ hai, không quá 4 lần/năm)
– Test xét nghiệm:
- Test Heroin: 40 000 đồng/lần/người (Test theo chỉ định)
- Test 4 chân: 160 000 đồng/lần/người (Test ban đầu, test theo chỉ định)
– Đối tượng thuộc diện nào thì được miễn giảm phí
Theo NĐ 90/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016, ở Chương IV, Điều 22 quy định về: Chế độ, chính sách đối với những người tham gia điều trị và người làm công tác điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện:
- Người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện được sử dụng thuốc thay thế miễn phí do ngân sách nhà nước bảo đảm.
- Ngân sách nhà nước bảo đảm một phần chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện đối với các đối tượng sau đây:
a) Thương binh;
b) Người bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Người nghèo;
d) Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa;
đ) Trẻ em mồ côi;
e) Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Câu hỏi 2: Quá trình điều trị bằng Methadone, nếu vì lý do nào đó tôi có thể không uống thuốc trong thời gian 01 hoặc 02 ngày thì có ảnh hưởng đến việc điều trị của tôi không?
Trả lời:
Để việc điều trị Methadone hiệu quả, bắt buộc bệnh nhân phải tuân thủ chỉ định điều trị của y/bác sĩ, đặc biệt là việc uống thuốc đều hàng ngày. Tuy nhiên có thể vì lý do nào đó, bạn phải tạm dừng uống thuốc trong vài ngày thì phải báo với y/bác sĩ điều trị để được tư vấn thêm. Một số thông tin liên quan đến việc bệnh nhân bỏ liều uống thuốc:
- Nếu bạn không uống thuốc ở mức 04 liều liên tục, thì phải gặp y/bác sĩ để khám bệnh lại, đồng thời y/bác sĩ phải điều chỉnh liều thuốc uống Methadone cho bạn, không sử dụng liều lượng cũ.
- Nếu không uống thuốc liên tục từ 05 liều liên tục, bác sỹ phải thực hiện dò liều lại nếu như bạn muốn tiếp tục điều trị
- Việc điều trị sẽ bị chấm dứt nếu 30 ngày liên tục bạn không đến cơ sở điều trị để uống Methadone. Trong trường hợp này, nếu bạn muốn tiếp tục điều trị, bạn phải đăng ký lại và phải được xem xét như một bệnh nhân mới. Quy trình điều trị sẽ bắt đầu lại từ đầu.
(Thanh Loan)