Ma tuý và một số mặt đã đạt được tại Việt Nam

Báo cáo tại hội nghị cho biết năm 2015, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta đã được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Lực lượng chức năng đã phát hiện 19.517 vụ, bắt 29.963 đối tượng phạm tội về ma túy (giảm 9,7% về số vụ, 5% về số đối tượng so với năm 2014), thu giữ 1.510 kg heroin (tăng 179%); 178 kg cocain cùng nhiều tang vật, tài sản khác… Năm 2015 là năm thứ ba liên tiếp diện tích cây thuốc phiện phát hiện giảm.

Toàn quốc thống kê được 201.180 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, giảm 3.193 người (1,56%) so với năm 2014 (204.377 người), trong đó có 13.769 người đang điều trị tại 142 cơ sở cai nghiện ma túy. Hiện có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, với 239 cơ sở, điều trị cho 43.720 người. Bộ Công an cũng đang tiến hành điều trị thí điểm bằng thuốc Methadone cho phạm nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Trại giam Phú Sơn 4 với 30 phạm nhân tham gia điều trị.

Tính đến cuối năm 2015, toàn quốc có 227.154 trường hợp báo cáo nhiễm HIV còn sống, trong đó số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 85.194 và 86.716 trường hợp người nhiễm HIV/AIDS tử vong. Theo ước tính, cả nước hiện có khoảng 254.000 người nhiễm HIV đang còn sống, mỗi năm có khoảng 12.000-14.000 trường hợp nhiễm HIV mới.

Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần làm rõ tại sao việc điều trị thay thế chất gây nghiện bằng Methadone đối với người nghiện ma túy được đánh giá hiệu quả, khả năng tiếp cận dễ dàng, nguồn lực tài chính được đảm bảo nhưng mục tiêu điều trị cho 80.000 người nghiện chất ma túy bằng Methadone trong năm 2015 không đạt được.

“Về việc điều trị người nghiện bằng Methadone, Chính phủ đã có nghị quyết cùng nguồn lực tài chính bảo đảm điều trị cho 80.0000 người nhưng tại sao chúng ta vẫn không sử dụng hết. Trong khi đó yêu cầu cơ sở vật chất, cán bộ y tế làm công tác này không quá cao. Thực tế, trừ những tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thì không ít địa phương đầu tư, duy trì cơ sở cai nghiện với kinh phí hàng tỉ đồng, cả trăm nhân viên nhưng việc điều trị thay thế bằng Methadone vẫn không đạt mục tiêu với lý do thiếu cơ sở vật chất, cán bộ y tế chưa được tập huấn. Nguyên nhân của tình trạng này là từ các yếu tố chủ quan”, Phó Thủ tướng phân tích và yêu cầu: “Trong vòng 3 tháng, Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH phải hoàn thành việc tập huấn về điều trị thay thế bằng Methadone cho người nghiện ma túy”.

Tại hội nghị, các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm cụ thể và cả vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi các mô hình cai nghiện, trong đó đặc biệt là cai nghiện tại cộng đồng, sử dụng điều trị thay thế bằng Methadone; kéo giảm các tụ điểm phức tạp về ma túy, mại dâm, quản lý các tụ điểm kinh doanh nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn.

“Năm 2015 là năm đầu tiên trong 20 năm số người nghiện ma túy ở Việt Nam giảm hơn 3.000 người, thay đổi nhận thức xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh trật tự xã hội”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Từ những mục tiêu đặt ra trong hoạt động phòng, chống Ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần phải chủ động, quyết liệt hơn nữa.

Cụ thể, trong phòng, chống ma túy không chỉ là giảm nguồn cung với nòng cốt là lực lượng công an, biên phòng mà phải làm sao giảm người nghiện mới, điều trị người nghiện cũ, tăng cường tuyên truyền mạnh hơn nữa.

Trong hoạt động cai nghiện, Phó Thủ tướng cho rằng cùng với đẩy nhanh chuyển đổi các mô hình cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc để đưa các chất điều trị thay thế như Methadone vào các cơ sở giáo dục, cai nghiện ma túy; lập hệ thống quản lý những người nghiện đang điều trị Methadone trên phạm vi cả nước…

“Năm 2016, chúng ta phải chuyển đổi mạnh mẽ các cơ sở Cainghiện theo đúng pháp luật. Xu thế đây là các đơn vị Cainghiện, trợ giúp người nghiện ma túy trên cơ sở vẫn có đối tượng cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án và mở rộng sang tự nguyện. Hai mô hình này cần có sự quản lý phù hợp trên tinh thần coi người nghiện ma túy là người bệnh để trợ giúp. Trong đó, cơ sở cai nghiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM cần lưu ý đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghiện”.

 

Theo nguồn “Chinhphu.vn”