Hoạt động tư vấn cá nhân, sinh hoạt nhóm tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý Thủ Đức

Như chúng ta đã biết, nghiện ma tuý lại là một bệnh não mãn tính, có tính chất tái phát. Não bộ thể hiện những thay đổi một cách rõ ràng do sử dụng ma tuý, và những thay đổi này vẫn còn tồn tại rất lâu sau khi đã ngừng sử dụng ma túy.

 

Tuy nhiên, bệnh nghiện có thể cải thiện bằng điều trị.

Khi bệnh nhân tham gia điều trị tại Trung tâm, ngoài được chăm sóc sức khỏe, bệnh nhân còn được điều trị về mặt tâm lý. Bệnh nhân sẽ được tham gia các buổi tư vấn cá nhân và nhóm với chủ đề trong chương trình Matrix. Điều trị tâm lý ở đây chủ yếu là điều trị chủ yếu là liệu pháp hành vi nhận thức. Mục tiêu chủ yếu là cung cấp các kỹ năng dự phòng tái nghiện, bao gồm các buổi tập huấn các kỹ năng làm thế nào để tránh sự cám dỗ và kiểm soát cảm giác thèm nhớ ma túy, đặc biệt cách đối phó khi gặp phải những tín hiệu gợi nhớ bên trong và bên ngoài. Mục đích của tư vấn điều trị sẽ giúp người nghiện ma túy có thể “đứng vững bằng chính đôi chân của mình” và giữ sạch ma túy càng lâu càng tốt.

Tư vấn cá nhân được thực hiện thường xuyên và kịp thời với mục tiêu chính chủ yếu là giúp bệnh nhân giải tỏa tâm lý khi gặp các sự cố trong cuộc sống và giúp tăng động lực cho bệnh nhân duy trì điều trị.

Hoạt động tư vấn cá nhân cho bệnh nhân tại Trung tâm
Hoạt động tư vấn cá nhân cho bệnh nhân tại Trung tâm

Tư vấn nhóm chủ yếu được thực hiện theo các chủ đề trong chương trình Matrix. Qua các buổi tư vấn nhóm, nhân viên tư vấn cố gắng biến những chủ đề dự phòng tái nghiện khô cứng trong chương trình Matrix thành các buổi chia sẻ, giao lưu, vừa học vừa chơi đảm bảo cho bệnh nhân vừa có thêm kiến thức, vừa không bị ức chế khi phải học tập.

Hình ảnh bệnh nhân tham gia trò chơi vận động“Đưa nước về nguồn”

Bệnh nhân tham gia trò chơi vận động “đưa nước về nguồn”. Các thành viên trong đội ngậm trong miệng một cái muỗng, lần lượt chạy đi múc nước trong chậu, không được sử dụng tay và đưa nước truyền vào trong chai. Đội nào nhiều nước hơn sẽ là đội thắng cuộc. Trò chơi vận động này giúp bệnh nhân có thêm tính kiên nhẫn trong mọi việc, đặc biệt phải kiên nhẫn trong suốt quá trình điều trị bệnh.

Bệnh nhân tham gia trò chơi Mò kim đáy bể

Trò chơi “Mò kim đáy bể”: Có 40 đồ vật để trong một thùng kín. Mỗi đội cử ra một người lên bỏ tay vào thùng và bịt mắt, sờ đồ vật và diễn tả cho các thành viên còn lại đoán, thời gian cho mỗi đội là 3 phút. Đội nào đoán được đúng nhiều nhất sẽ chiến thắng.  Qua trò chơi này, chúng tôi muốn nhắn nhủ với bệnh nhân một thông điệp: phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, phải có kế hoạch dự phòng tái nghiện rõ ràng vì các vấn đề khó khăn trong cuộc sống thường không  dễ dự đoán được, chúng thường xảy đến bất ngờ, bệnh nhân không thể nào lường trước được đâu là yếu tố nguy cơ sẽ ập đến với mình… từ đó giúp bệnh nhân nâng cao tính chủ động, tính cảnh giác và nhấn mạnh vấn đề lập kế hoạch dự phòng tái nghiện cho bản thân.

Bệnh nhân tham gia trò chơi Ghép tranh

Trò chơi ghép tranh: Tư vấn viên chủ động mua những bức tranh về chủ đề gia đình. Mỗi một bức tranh bao gồm rất nhiều mảnh ghép. Đội nào ghép xong bức tranh nhanh nhất đội đó sẽ là đội chiến thắng. Qua trò chơi, bệnh nhân học được tính kiên nhẫn, nhận thấy tầm quan trọng của sự đoàn kết. Ngoài ra, thông qua các trò chơi ghép tranh chủ đề gia đình, chúng tôi còn cho bệnh nhân thấy được, mỗi mảnh ghép giống như sự dạn nứt trong các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ trong gia đình. Tư vấn viên giúp bệnh nhân thấy được tầm quan trọng của việc hàn gắn các mối quan hệ đó trong quá trình phục hồi của họ.

Người viết: Đặng Nhàn