Bài phát thanh tuyên truyền về phòng chống Ma túy (kỳ 1)

Được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức, Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy đã thực hiện chương trình phát thanh: “Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy.” Với các nội dung:


Tệ nạn ma tuý là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khoẻ, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.

Để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn ma tuý;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý số 23/2000/QH10.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy ngày 03/06/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009.

Sau đây là một số điều cần biết về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy:

1. Người nghiện và gia đình người nghiện tự khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện (bắt buộc, tự nguyện) với cơ quan, tổ chức nơi làm việc, hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

2. Các hình thức cai nghiện:
*)Có thể cai nghiện tự nguyện ở gia đình, tại cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện tập trung do nhà nước quản lý hoặc cơ sở dân lập, tư nhân.
*)Cai nghiện bắt buộc được áp dụng tại cộng đồng hoặc các cơ sở cai nghiện tập trung nếu người nghiện trốn tránh không đăng ký hình thức cai nghiện.

3. Thời hạn cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng từ 06 tháng đến 12 tháng, tại các cơ sơ bắt buộc từ 01 đến 02 năm. Người đang nghiện bắt buộc tập trung tại cơ sở mà phạm tội thì sau khi chấp hành hình phạt xong phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại cơ sở bắt buộc

4. Người nghiện ma túy sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc phải chịu sự quản lý sau cai nghiện từ 01 đến 02 năm theo một trong hai hình thức sau đây:

*)Quản lý nơi cư trú do ủy ban cấp xã thực hiện.
*)Quản lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện đối với người có nguy cơ tái nghiện cao.

5. Trách nhiệm của gia đình: tự giác khai báo về tình trạng người nghiện ma túy và đăng ký hình thức cai nghiện, động viên giúp đỡ và quản lý người thân nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và ủy ban nhân, phường, xã, thị trấn.

6. Trách nhiệm ủy ban nhân dân, phường, xã, thị trấn: tổ chức quản lý và tạo điều kiện cho người nghiện được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, tổ chức, quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ người sau cai nghiện phòng, chống tái nghiện, hỗ trợ tìm việc làm và tham gia các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người được quản lý tại nơi cư trú.

7. Trách nhiệm của cơ quan công an: lập hồ sơ xử lý đối tượng vi phạm, thi hành quyết định đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở chữa bệnh và tuy tìm đối tượng bỏ trốn, cưỡng chế đưa vào trung tâm cai nghiện.

8. Trách nhiệm Cơ sở chữa bệnh và cơ sở quản lý sau cai nghiện: Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý sau nghiện và tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại các Trung tâm.

Nguồn : Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy