TÌNH HÌNH MA TÚY TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

 

Trên thế giới:

Vấn nạn ma túy: Mãi đến thế kỷ 17, nhân loại vẫn chưa nước nào biết dùng á phiện để hút như lạc thú. Vậy mà nay tình hình nghiện ma túy đã khác hẳn.

Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 50 triệu người nghiện xì ke ma túy, (nhưng đó chỉ là con số có đăng ký, theo số liệu Liên Hiệp Quốc phải có đến 4% dân số thường xuyên tiêu thụ ma túy, tức khoảng 230 triệu người – Bách khoa tri thức phổ thông, trang 557) trong đó 6 triệu người nghiện cocaine, 5 triệu người nghiện hút thuốc phiện, 30 triệu người nghiện cần sa, 9 triệu người thường xuyên dùng thuốc ngủ và thuốc an thần (Tài liệu rời của Bác sĩ Trần Minh Thái và Mạc Bìa, Phương pháp cắt cơn đói ma túy)

Ma túy được trồng hầu như khắp nơi trên thế giới, những vùng tập trung lớn như: Tam giác vàng (Mianma, Thái lan, Lào, Trung quốc, Việt nam), Lưỡi liềm vàng (Iran, Pakistan, Tazekistan) và ở các nước Châu mỹ la tinh, Pêru, Colombia, Bôlivia … Ma túy từ đây được vận chuyển đi khắp nơi, mà thị trường béo bở nhất hiện nay là Bắc mỹ và các nước Châu âu. Trong khi Mỹ la tinh là nguồn cung cấp chủ yếu cocaine cho thị trường rộng lớn ở Bắc mỹ và Tây âu – 70%, thì trong khi đó Tam giác vàng ở Đông nam á là: “Trung tâm kinh tế thuốc phiện” lớn nhất thế giới. Sản xuất 2.000 tấn/năm 3.

( Tài liệu rời của cha Quang Uy, Tình hình nghiện ma túy và chất gây nghiện, trên Epphata Việt nam số 7 Châu á sản xuất 80% heroine cho thị trường thế giới)

 Ma túy (Con bạch tuộc):

Buôn bán ma túy là có lợi nhuận cao nhất. Hiện nay giá 1kg heroine tại Tam giác vàng là 150 – 200 USD, nhưng tại Mỹ là 200.000 USDTheo số liệu của Liên Hiệp Quốc thu nhập do buôn lậu ma túy trên thế giới hằng năm 400 – 500 tỉ USD (trong đó, heroine 200 tỉ USD, cocaine 150 tỉ USD). Giá 1kg cocaine sạch đem lại 50.000 USD tiền lời tạiÝ, và 25.000 – 30.000 tại Đức và Mỹ. Cho nên các đường dây buôn lậu ma túy hầu như có mặt khắp nơi trên thế giới và hoạt động chằng chịt. Interpol ước tính rằng có ít nhất chính phủ của 12 nước nằm dưới sự kiểm soát của Mafia. Các băng đảng này có số vốn lưu động là 400 – 500 tỉ USD. Hàng năm, cảnh sát chỉ phá được 5 – 10% các vụ buôn lậu. Các băng đảng buôn lậu ma túy lớn nhất nằm ở Ý và Colombia; Châu á thì có Khunsa ở vùng Tam giác vàng 4. (Tài liệu của Ủy ban kinh tế Thái bình dương – Liên Hiệp Quốc, 2000)

Thử làm một bài toán:

Trong khi Mỹ la tinh sản xuất ma túy nhiều nhất, thì Mỹ lại là thị trường tiêu thụ lớn nhất, 60% khối lượng ma túy toàn cầu và mỗi năm chi khoảng 175 tỉ USD. Theo cục đấu tranh phòng chống ma túy ở Hoa kỳ( DEA ) cho biết: Hiện nay tại Mỹ có 6 triệu người nghiện cocaine (150 – 200 USD/tuần/người), cần sa có 19 triệu người thường xuyên dùng nó. Riêng tại Thành phố NewYork là 300.000 người. Chỉ tính riêng 6 triệu người nghiện cocaine ở Hoa kỳ thôi thì mỗi năm đã tiêu hết 43 tỉ 200 triệu USD/năm (46.800 triệu USD) = 648.000 tỉ VND. Nếu nhân lên trên toàn thế giới thì số tiền lãng phí là vô cùng lớn đối với chúng ta. (Vũ Ngọc Bừng, Phòng Chống Ma Túy Trong Nhà Trường, NXB Giáo Dục và NXB Công An Nhân Dân, 1997)

 

 Tại Việt nam:

Theo Giáo sư Trần Minh Thái và Bác sĩ Mạc Bìa cho biết đến cuối thời Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh chưa thấy một tư liệu nào nói về hút thuốc phiện ở Việt nam, Năm 1820 bắt đầu có người hút á phiện do thương nhân người Hoa đem qua.

Riêng ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Thương Binh Xã Hội (1996), nước ta ước tính có khoảng 183.000 người nghiện ma túy. (Còn theo báo Tuổi trẻ ngày 04/05/2001 cho biết hiện nay ở Việt nam có 101.036 người nghiện ma túy) trong đó, 70% ở độ tuổi trẻ, 80% là nghiện nặng, 85,5% đã có tiền án tiền sự. Riêng ở Hà Nội, số người trẻ nghiện chiếm đến 93%. Trong đó, học sinh – sinh viên là 2.837 em. Những con nghiện ở Việt nam mỗi năm đốt 50 tỉ đồng. Tiền cho chương trình phòng chống, cai nghiện, quảng bá năm 1996 là 20 tỉ đồng. Từ năm 1998 – 2000 số tiền chi cho việc phòng chống trong cả nước là 125 tỉ 703 triệu. Số tiền này có thể xây 125 trường trung học cho cả nước (1 tỉ/trường), hoặc 4 -5 trường đại học (25 – 30 tỉ/trường). Nếu số tiền này chi cho việc xoá đói giảm nghèo (cả nước 2.800 hộ) thì mỗi hộ được hơn 4,5 tỉ đồng.

Tại thành phố Hà Nội 1995, có 5.000 người nghiện, đến 1998 là 13.000 người.Tại Sài Gòn, tháng 07/1997, số người nghiện mà công an nắm được là 4.500 người; đến tháng 07/1998 là 10.038 người, trong đó 81% ở độ tuổi dưới 30. Nhưng thực tế ước tính, tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 20.000 con nghiện, với 632 khu vực liên quan đến mua bán tổ chức chích hút ma túy.

Nhưng điều đáng sợ nhất là vấn đề ma túy hiện trong trường học. Số học sinh, sinh viên nghiện ma túy ngày càng tăng. Các con nghiện xâm nhập sân trường, dụ dỗ, mồi chài, lôi kéo, cho thử … Học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi trẻ đơn sơ, dễ bị lôi cuốn.

Sa vào ma túy là con đường ngắn nhất dẫn tới sự hủy hoại chính mình hiện tại và tương lai; mà các em bị hủy hoại tức là tương lai của đất nước bị tàn phá. Đây là môt vấn đề gây bao lo lắng bức xúc cho các nhà giáo dục nói riêng và cả nước ta nói chung.

(Tài liệu rời “Tình hình nghiện ma túy và chất gây nghiện” trên Epphata Việt nam số 7)