Đối với lời nói, Bác Hồ nhấn mạnh: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Theo ý của Bác, việc nói, viết của cán bộ, đảng viên phải phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân, đúng với thực tế khách quan, phải ngắn gọn, rõ ràng, rõ mục đích, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ vận dụng.
Đối với việc làm, Bác Hồ yêu cầu cán bộ, đảng viên: việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Người biểu dương và yêu cầu cán bộ, đảng viên dám nói, dám làm, năng động, sáng tạo.
Theo Người: “Cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”. Đó cũng là dũng khí của những cán bộ hết lòng phụng sự Tổ quốc, vì Đảng, vì dân, vì nước.
Bác Hồ chỉ rõ rằng: mục đích xuyên suốt chi phối lời nói và việc làm của người cán bộ, đảng viên là “tất cả vì dân”. Đây là tiêu chí cơ bản để đánh giá tư cách, đạo đức, tác phong công tác của người cách mạng. Đối với cán bộ, đảng viên, Bác nói rất thẳng thắn: Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Sự nêu gương về đạo đức của người cán bộ, đảng viên phải thể hiện mọi lúc, mọi nơi, trong sinh hoạt đời thường, trong từng hành vi nhỏ nhất.
Trong thực tế, nói thì dễ, làm mới khó; khuyên người khác thì dễ, nhưng làm theo lời khuyên đó thì khó hơn nhiều. Nhưng, sẽ là sai lầm khi tuyệt đối hoá việc làm đến mức chỉ có làm mà không biết nói, không biết tổ chức tuyên truyền, giáo dục những việc tốt, những điển hình tiên tiến thì sẽ không phát huy hết hiệu quả của việc làm.
Như vậy, sự thống nhất biện chứng giữa lời nói và việc làm đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải vừa nói hay, vừa làm giỏi. Cố nhiên, sự thống nhất biện chứng ấy không có nghĩa là lời nói và việc làm lúc nào cũng phải cân bằng tuyệt đối với nhau mà luôn luôn tuỳ thuộc vào từng môi trường, lĩnh vực, công việc cụ thể.
Xuất phát từ tình hình trên, việc học tập, tu dưỡng đạo đức theo tư tưởng tấm gương đạo đức Bác Hồ “Nói đi đôi với làm” trong mỗi con người chúng ta cần phải học tập một cách thường xuyên, vì đây là cơ sở để hoàn thiện mỗi cá nhân, vì đạo đức của mỗi người không phải tự nhiên xuất hiện, mà do mỗi người tự học tập, tự tu dưỡng và rèn luyện trong hoạt động thực tiễn và tiếp thu sự giáo dục, quản lý của tổ chức, tập thể, cộng đồng, gia đình và xã hội.
Vì vậy, để giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp, đòi hỏi mỗi người phải thường xuyên tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, tự hoàn thiện chính bản thân mình. Mọi sự buông thả, thiếu tự giác trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng, xa rời sự quản lý, giáo dục của tập thể, cộng đồng, đoàn thể và gia đình là con đường dẫn tới hư hỏng, tự đánh mất chính bản thân mình.
Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta học tập và noi theo, đó là: tư tưởng toàn tâm, toàn ý, hết lòng hết sức phụng vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không gợn một chút riêng tư. Theo Người, đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở thành người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Nếu lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chổ chí công vô tư.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một thể thống nhất giữa đạo đức với chính trị, đạo đức với tài năng, giữa nói với làm, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức đời thường. Trong khi sử dụng lại một số khái niệm và thuật ngữ của đạo đức truyền thống vốn đã phổ biến quen thuộc trong nhân dân, Người đã đưa vào đó những nội dung mới mang ý nghĩa nhân văn và cách mạng của đạo đức mới. Luôn luôn nêu cao ý thức tự học tập, tự rèn luyện, tự tu dưỡng thường xuyên bản thân mình để xứng đáng là người công chức nhà nước. Xác định lập trường tư tưởng vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành quản lý của Nhà nước trong công cuộc đổi mới, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ mà nhân dân ta đã lựa chọn, luôn có ý thức trong việc “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Do vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ “Nói đi đôi với làm” là một việc làm cần thiết của mỗi con người của chúng ta và có ý nghĩa chính trị – xã hội sâu sắc trong bối cảnh hiện nay; Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một tài sản vô cùng quí báu của Đảng ta, của dân tộc ta, của mỗi người cán bộ, đảng viên và từng thành viên trong xã hội, đó chính là mục tiêu vươn tới của xã hội chúng ta hôm nay và những thế hệ mai sau; là niềm tự hào vô cùng to lớn của dân tộc Việt Nam.
Vì vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm” có ý nghĩa cấp bách cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn, nhất là trong điều kiện Đảng lãnh đạo đất nước trong tình hình hội nhập quốc tế hiện nay, đây là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu có tính quyết định toàn bộ sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Cộng sản Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, bên cạnh giữa lời nói đi đôi với việc làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, Người viết “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi xa được. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Chính vì vậy, mà Người hết sức chú trọng đến việc xây dựng nền tảng đạo đức cách mạng của Đảng, của cán bộ, đảng viên. Người coi trọng cả “đức và tài”; trong đó “đức” là gốc; “tài” phải lấy “đức” làm cơ sở. Nếu không có “đức” thì tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn của sự thống nhất biện chứng giữa lời nói với việc làm. Nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đã noi gương Người phấn đấu quên mình, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lời nói đi đôi với việc làm, được quần chúng tin yêu, mến phục.
Học tập đạo đức của Bác Hồ về “lời nói đi đôi với việc làm” là rất khó; nhưng nếu tất cả mọi người chúng ta với quyết tâm cao và với tấm lòng trong sáng, tất cả vì việc chung, vì dân, vì nước vì cộng đồng, thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được.
NGUYỄN ĐĂNG BÌNH