CƠ SỞ TƯ VẤN VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY BÌNH TRIỆU
Nhằm tinh gọn cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động và đa dạng hóa chức năng, nhiệm vụ trong công tác tư vấn, điều trị cai nghiện, phục hồi sức khỏe, tâm lý cho người nghiện ma túy có cuộc sống hòa nhập cộng một cách bền vững. Ngày 25 tháng 08 năm 2023, Ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3608/QĐ-UBND về việc tổ chức lại ” cơ sở Tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu ” trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Cơ sở Tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu.
I. Chức năng
Cơ sở Tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu là cơ sở điều trị đa chức năng với nhiều loại hình hoạt động:
1. Tổ chức cai nghiện ma túy đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 12 tuổi tới dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc theo Luật Phòng,chống ,ma túy;
2. Tổ chức cai nghiện ma túy đối với người nghiện tự nguyện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền ( nhà nước hỗ trợ phí hoặc thu phí);
3. Quản lý, giáo dục tư vấn, điều trị hội chứng cai, điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh khác đối với người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người chờ thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và người cai nghiện tự nguyện( nhà nước hỗ trợ phí hoặc thu phí);
4. Thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
II. Nhiệm vụ.
1. Tổ chức cai nghiện ma túy đối với người bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật đối với người cai nghiện bắt buộc.
b) Tiếp nhận, phân loại đối tượng; tư vấn, xây dựng kế hoạch cai nghiện đối với người cai nghiện ma túy.
c) Tổ chức các hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác, hỗ trợ phục hồi sức khỏe thể chất, tâm thần và các chức năng khác đối với người cai nghiện ma túy.
d) Triển khai các hoạt động giáo dục, tư vấn, trị liệu, phục hồi hành vi, nhân cách và các rối loạn khác đối với người cai nghiện ma túy.
đ) Tổ chức các hoạt động lao động trị liệu, dạy nghề hoặc phối hợp các trung tâm hoặc cơ sở đủ điều kiện tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề cho người cai nghiện theo quy định của pháp luật, gắn với việc thực hiện các dự án việc làm, giảm nghèo, các chương trình kinh tế – xã hội khác phù hợp với điều kiện, cơ cấu kinh tế đặc thù của địa phương; hướng nghiệp cho người sau cai nghiện tìm việc làm, tạo việc làm, thích nghi với đời sống xã hội khi trở về cộng đồng.
e)Tổ chức các lớp học văn hóa cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
g)Kết nối, tư vấn, tuyên truyền, vận động người sau cai nghiện tham gia chương trình quản lý sau cai nghiện phù hợp để được hỗ trợ về sinh kế, các hoạt động xã hội khác; hướng dẫn, tư vấn cho gia đình người sau cai nghiện về quản lý, giáo dục người sau cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
h)Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cai nghiện theo các mục tiêu; đánh giá tình trạng sức khỏe thể chất, tâm thần của người cai nghiện ma túy; trang bị kiến thức, kỹnăng cần thiết giúp người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
2. Tổ chức cai nghiện ma túy đối với người cai nghiện tự nguyện
a ) Xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện.
b)Tiếp nhận, phân loại, tư vấn xây dựng kế hoạch cai nghiện ma túy theo quy trình và các dịch vụ cai nghiện ma túy tại cơ sở.
c)Tổ chức thực hiện nhiệm vụ xác định tình trạng nghiện ma túy, cai nghiện ma túy tại cơ sở và tại cộng đồng.
d) Kết nối, tư vấn hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật về cai nghiện ma túy cho đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động người sử dụng, người nghiện ma túy tham gia chương trình can thiệp, điều trị, cai nghiện phù hợp.
3. Quản lý, giáo dục , điều trị hội chứng cai, điều trị rối loạn tâm thần, các bệnh khác đối với người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc, người chờ thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và người cai nghiện ma túy tự nguyện.
a)Tiếp nhận, quản lý, tổ chức điều trị hội chứng cai, điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh khác.
b)Thực hiện các hoạt động giáo dục, tư vấn cho người cai nghiện.
c)Chuyển giao người nghiện ma túy đi thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện công lập khác.
4. Thực hiện xác định tình trạng nghiện
a)Tiếp nhận người và hồ sơ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền đề nghị xác định tình trạng nghiện hoặc do người nghiện tự nguyện xác định tình trạng nghiện.
b)Lập bệnh án và thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền.
c)Lập và trả phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định.
5. Tư vấn các biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú, biện pháp phòng chống tái nghiện vá các chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, kết nối, tư vấn các dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng đối với người cai nghiện ma túy.
6. Tổ chức quản lý, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người cai nghiện ma túy nhiễm HIV/AIDS, thông tin, giáo dục, tuyên truyền và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở
7. Cử viên chức và người lao động của Cơ sở tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ về xác định tình trạng nghiện ma túy, cai nghiện ma túy; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về tư vấn, cai nghiện ma túy cho người làm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo quy định của cấp có thẩm quyền.
8.Phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu, tham gia nghiên cứu, tổ chức thực nghiệm các mô hình, phương pháp điều trị, cai nghiện, phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy và các hoạt động lao động, lao động trị liệu theo quy định của pháp luật.
9.Tổ chức quản lý, bảo vệ môi trường tại cơ sở cai nghiện ma túy và địa bàn nơi trú đóng; lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường với các chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy; thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở theo quy định.
10.Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương tổ chức quản lý, bảo vệ, gìn giữ trật tự, an toàn tại cơ sở và địa bàn trú đóng; phòng chống thẩm lậu ma túy vào cơ sở.
11. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo; xây dựng, tổng hợp, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
12. Thực hiện quản lý nhân lực, tài chính, tài sản theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
13. Tổ chức, cung cấp các dịch vụ phục vụ người cai nghiện ma túy và hoạt động thăm gặp người thân của người nghiện ma túy.
14. Thực hiện đúng quy trình điều trị nghiện ma túy theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
15. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao.
III. Quy mô hoạt động của đơn vị:
Cơ sở Tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu là đơn vị có hơn 40 năm trong công tác điều trị cai nghiện ma túy với hơn 100 cán bộ công nhân viên có bề dày kinh nghiệm trong công tác cai nghiện ma túy, được đào tạo, tập huấn chuyên sâu; đội ngũ y bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong điều trị; tư vấn viên và giáo dục viên cũng được đào tạo bài bản về công tác tham vấn, quản lý đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS…
Cơ sở Tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu có trụ sở đặt tại:
Số 65 đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: (028) 38055509; Fax: (028) 38055509
Email: binhtrieu.sldtbxh@tphcm.gov.vn
Website: www.tuvancainghien.gov.vn